Kinh nghiệm viết bài luận xin học bổng từ A đến Z từ chuyên gia săn học bổng hơn 6 năm kinh nghiệm
Chào các bạn, mình đã tham gia hỗ trợ xem và chỉnh sửa hồ sơ học bổng cho rất nhiều sinh viên Việt Nam. Rất nhiều trong số đó đã nhận được các học bổng toàn phần danh giá như VEF, Erasmus Mundus, AAS, NZ ASEAN Awards, MBA, MEXT, học bổng Thạc Sĩ của ĐH TUDelft Hà Lan, học bổng PhD tại Pháp, internship tại Liên Hợp Quốc… Mình nhận thấy các ứng viên Việt Nam loay hoay nhất là phần viết bài luận xin học bổng (Thường gọi là SOP Statement of purpose, hoặc là motivation letter). Sau đây là một số đúc kết kinh nghiệm của mình, hi vọng các bạn có thể tham khảo và tự hoàn thiện kĩ năng viết của mình nhé.
1. Mở bài phải thật sáng tạo: Nguyên tắc 10 giây 10 bài luận xin học bổng gửi cho mình thì chắc phải đến 9 bài mở đầu bằng ‘Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo ở Việt Nam’, hoặc ‘Tên tôi là, tôi viết thư này là để’. Mình nghĩ đây là một cách mở bài rất nhàm chán, không để lại ấn tượng. Các bạn cần nhớ rằng ban tuyển sinh ở các trường ĐH danh tiếng mỗi mùa sẽ phải đọc hàng trăm hồ sơ, vì vậy, hãy ‘bắt’ người đợc ngay từ những giây đầu tiên. Giống như nguyên tắc gây ấn tượng với một ai đó trong lần gặp gỡ đầu tiên, những nghiên cứu marketing chỉ ra rằng bạn chỉ có 30 giây để gây ấn tượng. Nguyên tắc này, được mình áp dụng trong tình huống này là 10 giây. Vì vậy, hãy suy nghĩ thật kĩ, đầu tư nhiều thời gian cho 10 giây quan trọng này.
2. Lập dàn ý trước khi viết
Điều này thì khi học văn ở Việt Nam thầy cô giáo cũng có dạy. Học tiếng Anh cũng vậy, khi viết cũng cần có dàn ý (outline). Dàn ý mang lại cho bạn cái nhìn tổng thể cho cả bài, từng đoạn sẽ nói những ý gì. Sau đó khi triển khai viết từng đoạn văn nhỏ, liên kết các đoạn văn như thế nào thì xem mục 3 nhé :).
Vì vậy trước khi bắt tay vào viết bài luận xin học bổng thì bạn nên có dàn ý để tránh lan man nhé.
3. Viết văn mạch lạc
Đây là lỗi thường mắc phải khi tiếng anh của bạn chưa tốt. Người Việt thường dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, viết rất dài, lan man và lặp lại ý. Để tránh lỗi này, các bạn hãy học cách viết trong academic writing, viết mỗi một đoạn văn bao gồm chỉ MỘT nội dung chính, có câu chủ đề (topic sentence), các câu bổ trợ ý cho câu chủ đề (supporting ideas) và nếu có thể thì cả câu kết đoạn (concluding remark). Sau đó, để liên kết các câu hoặc đoạn với nhau thì phải dùng đến các từ nối câu, nối đoạn, đại từ là từ nối (mình chỉ cung cấp keywords ở đây, các bạn tự tìm tài liệu tiếng anh hoặc sách academic writing để học nhé. Tìm các từ sau linking phrases, linking pronouns). Tất cả những điều này sách IELTS đều viết rõ, các cô giáo chắc cũng có dạy, chắc khi viết thì các bạn lại quên :).
4. Viết thuyết phục
Để viết thuyết phục, các bạn cần có dẫn chứng cho những luận điểm của mình. Dẫn chứng phải được lượng hóa cụ thể. Ví dụ nếu bạn nói: Tôi đã nỗ lực không ngừng nghỉ để vào được một trường Đại Học tốt và sau đó tổ nghiệp bằng giỏi. Hãy chuyển ý trên thành (lưu ý những ý mình gạch chân): Tôi đã nỗ lực không ngừng để vào được một trường ĐH Kinh Tế Quốc Dân, một trường ĐH về Kinh Tế hàng đầu tại Việt Nam. Trong những năm tháng trên giảng đường, tôi đã tiếp tục nỗ lực và kết quả là tôi tốt nghiệp loại ưu, xếp hạng top 5% trong khóa. Lưu ý: Đừng nói những điều không đúng sự thật. Số liệu phải chính xác và có thể đối chiếu với bảng điểm đính kèm của bạn. Nếu bạn viết tôi xếp loại xuất sắc mà điểm trung bình GPA chỉ được 7.6 thì rất khó để người đọc tin vào những gì bạn viết.Nên khi đưa dẫn chứng trong bài luận thì tránh sử dụng máy phóng đại sự thật nhé!
5. Viết ngắn khó hơn viết dài
Nếu trường không có yêu cầu cụ thể, thì viết tầm 1000 từ đến 1200 từ là ổn. Viết dài quá, người xem hồ sơ chắc chắn sẽ không có thời gian để đọc. Bên cạnh đó, nếu bạn viết dài hơn 1200 từ, mình nghĩ là bạn đã mắc lỗi rờm rà, lan man. Kinh nghiệm của mình chỉ ra rằng 1000 từ là thừa để các bạn viết hay rồi :). Một số trường có yêu cầu cụ thể, không quá 500 từ hoặc một trang A4. Những đề bài như vậy, các bạn lưu ý là sẽ khó hơn vì viết ngắn thường khó hơn viết dài, bạn phải lựa chọn từ ngữ và chi tiết cẩn thận lắm. Vì ngắn hơn, các trường thường sẽ cho đề bài rất CỤ THỂ.
Hãy gạch chân câu hỏi, và viết đoạn văn trả lời cụ thể và chính xác câu hỏi đó, tránh LẠC ĐỀ. Nếu đủ lượng từ, cũng đừng quên có mở bài, thân bài và kết bài nhé, khi đó thì mở bài và kết bài chỉ mỗi đoạn chỉ khoảng hai câu là được.
6. Dấu ấn cá nhân
Hãy kể câu chuyện của chính bản thân mình. Đừng copy đoạn văn và ý tưởng của người khác. Đôi khi mình cũng tự hỏi tại sao lại có nhiều bạn mở bài giống nhau đến như vậy? Để kể được câu chuyện của mình, các bạn hãy dành thời gian vài ngày để suy nghĩ xem trong những năm đi học mình có điều gì đáng để kể và thể hiện được con người mình nhất. Vì vậy dù các bạn có nhờ người xem hồ sơ, thì người xem hồ sơ cũng chỉ sửa dựa trên bài viết của bạn. Vì họ không sống cuộc đời của bạn. Hãy nghĩ một chút trước khi viết về việc câu chuyện mình muốn kể là gì?
7. Đọc nhiều tài liệu của người bản ngữ viết
Để viết hay, dù là viết tiếng Việt hay tiếng anh, thì nhất định phải đọc rất nhiều.
Để viết tiếng Anh hay thì nhất định phải đọc nhiều của người bản xứ viết để học cách sử dụng câu, từ của họ. Đây là một việc làm hàng ngày. Bản thân mình cũng viết không hay, mặc dù mình IELTS writing 7.5 từ 2008 (đúng 10 năm trước), nhưng mình vẫn học tiếng Anh hàng ngày. Hi vọng là các bạn cũng phát triển được thói quen này.
Khi đọc nhiều, thì từ vựng và câu cú của bạn sẽ tăng lên đáng kể đấy. Mình đã gặp nhiều bạn trẻ viết tiếng anh siêu sao, mình đọc rất thích. Mình tin là các bạn trẻ hơn mình thì sẽ viết tốt hơn mình nữa, vì các bạn tiếp cận internet sớm hơn thế hệ 8x của mình nhiều. Lưu ý nhỏ: Khi viết cần nhớ là đừng có dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh nhé nhé nhé. Hãy tự hỏi xem người bản xứ viết câu này thì sẽ viết như thế nào? Cuối cùng chúc các bạn thành công, mùa học bổng tới thì săn được học bổng để bay xa nhé!
—
Gửi CV cho mình để được review CV miễn phí nếu bạn đang có nhu cầu săn học bổng đến trường top thế giới: nga.leopold@myosla.com